1. Ngày nay hóa chất BDO được ứng dụng rất rộng rãi trong đời sống xã hội, tuy nhiên ngành công nghiệp sản xuất BDO tại Việt Nam hiện nay chưa thực sự phổ biến. Dự án sản xuất BDO đầu tiên tại Việt Nam là “Nhà máy sản xuất sản phẩm sinh học BIO-BDO” do Công ty TNHH Hyosung Đồng Nai làm chủ đầu tư, nhà máy được xây dựng trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Nguyên liệu chính để sản xuất BDO là đường thô Sucrose hoặc Glucose và các chất phụ gia. Để sản xuất ra BDO cần qua một quá trình lên men và nhiều công đoạn xử lý (Hình 1). Quy trình công nghệ sản xuất BDO bao gồm: Đường từ nhà chứa nguyên liệu đầu vào (nhà đường) và khuẩn E.coli được vận chuyển bằng dây chuyền công nghệ đến nhà lên men, qua quá trình lên men được đẩy đến nhà phân tách, loại bỏ tạp chất tại nhà xử lý chất thải (xử lý sợi nấm), qua hệ thống dây chuyền ngưng tụ bay hơi, hệ thống dây chuyền chưng cất sẽ thu được sản phẩm BDO, các sản phẩm này được chứa trong bồn bể BDO sẽ cung cấp đến các nhà máy sản xuất có sử dụng nguyên liệu đầu vào là BDO.

Hình 1. Quy trình công nghệ sản xuất BDO
2. Căn cứ đặc điểm quy trình công nghệ sản xuất BDO được mô tả tại Hình 1 cho thấy đây là một loại hình công trình tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ và đặt ra không ít khó khăn, thách thức đối với công tác đảm bảo an toàn PCCC, điển hình là một số hạng mục có tính nguy hiểm cháy nổ cao dưới đây:
- Nhà lên men: Chứa các thiết bị điện phục vụ quá trình lên men thuộc hạng nguy hiểm cháy nổ C, đây là các thiết bị tiêu thu nhiều điện năng, do đó cần hệ thống cung cấp điện lớn bao gồm các tủ điều khiển điện, thiết bị AHU... đây là các khu vực có tính nguy hiểm cháy cao hơn cấp A.
- Nhà nén khí: Chứa các thiết bị máy nén khí, máy sấy, đây cũng là các thiết bị tiêu thụ nhiều điện năng, do đó cần hệ thống cung cấp điện lớn bao gồm các tủ điện phân phối, tủ MCC, tủ inverter, tủ nguồn UPS và NFB... đây là khu vực có tính nguy hiểm cháy cao hơn cấp A.
- Trạm sản xuất hydro: Đây là nơi điều chế ra hydro – là chất có tính khử cực mạnh tham gia vào công đoạn chưng cất để tạo ra BDO, đặc biệt hydro là chất khí dễ bắt cháy, có thể cháy khi mật độ đạt 4%. Hydro rò rỉ ra ngoài tác dụng với oxy không khí có thể nổ khi bắt lửa, hydro cũng có thể nổ khi có dòng điện chạy qua, hạng nguy hiểm cháy nổ A.
- Bể chứa BDO: Đây là nơi chứa BDO thành phẩm, hạng mục bể chứa BDO tồn chứa nhiều chất cháy với tải trọng lớn nhất trong công trình. Với đặc tính dễ cháy, điểm nóng chảy ở 20,1 0C, điểm sôi 235 0C, điểm bắt cháy 135 0C nên hạng mục bể chứa BDO tiềm ẩn nhiều rủi ro xảy ra cháy, nổ.

Hình 2. Quy trình công nghệ chi tiết sản xuất BDO
3. Với tính chất nguy hiểm cháy của các hạng mục thuộc nhà máy sản xuất BDO nêu trên, đòi hỏi phải có giải pháp thiết kế hệ thống PCCC phù hợp đối với từng hạng mục, từng công đoạn công nghệ trong dây chuyền sản xuất BDO và cần lưu ý một số nội dung sau:
- Trang bị hệ thống báo cháy tự động cho các hạng mục công trình đảm bảo quy định tại Phụ lục A TCVN 3890:2023, cần lưu ý thiết bị hệ thống báo cháy tự động cho hạng mục trạm sản xuất hydro phải là các thiết bị phòng nổ được triệt tiêu dòng điện rò rỉ vì khu vực này có nguy cơ xảy ra sự rò rỉ khí hydro.
- Hệ thống chữa cháy cho hạng mục bồn bể chứa BDO, với tính chất nguy hiểm cháy của BDO là chất lỏng cháy nên việc sử dụng hệ thống chữa cháy bên trong các bồn bể này là hệ thống chữa cháy tự động bằng bọt sẽ mang lại hiệu quả cao, việc tính toán các thông số cơ bản về lượng chất tạo bọt, số phương tiện chữa cháy, làm mát có thể áp dụng theo các quy định tại TCVN 5307:2009.
- Đối với các hạng mục có phòng điện, phòng UPS, phòng AHU (phòng có chứa các thiết bị mang điện) nếu sử dụng phương pháp dập cháy bằng nước hoặc bọt có thể sẽ gây ra hiện tượng ngắn mạch, nổ các thiết bị điện khi chúng gặp nước. Phương pháp chữa cháy hiệu quả nhất đối với các gian phòng này là phương pháp dập cháy bằng thể khí, điển hình như HFC-227ea, Nitrogen, sol – khí... đây là những loại khí được sử dụng phổ biến hiện nay, có hiệu quả chữa cháy cao, không độc hại và không gây ô nhiễm môi trường.