logo

CÔNG TY CỔ PHẦN PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY ĐÔNG HƯNG

TƯ VẤN THIẾT KẾ - THI CÔNG - GIÁM SÁT - THIẾT BỊ AN TOÀN PCCC
Hướng dẫn một số nội dung vể thử nghiệm, kiểm định pccc đối với thiết bị báo cháy sử dụng đường truyển vô tuyến

Hiện nay, cùng với sự phát triển của khoa học - công nghệ, việc sử dụng các thiết bị không dây đang trở nên phổ biến, trong đó có các thiết bị báo cháy tự động sử dụng đường truyền vô tuyến (thiết bị báo cháy không dây). Liên quan đến công tác kiểm định PCCC đối với các thiết bị báo cháy báo cháy không dây, vừa qua Cục Cảnh sát PCCC và CNCH nhận được một số đề nghị về hướng dẫn cụ thể việc thử nghiệm và kiểm định PCCC đối với thiết bị báo cháy báo cháy không dây. Về việc này, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH hướng dẫn một số nội dung như sau:

1. Một số dạng thiết bị báo cháy không dây

1.1 Thiết bị báo cháy cục bộ;

1.2 Bộ báo cháy không dây có đầy đủ tủ trung tâm báo cháy, đầu báo, chuông, đèn, nút nhấn... không dây;

1.3 Bộ báo cháy không dây có bộ phận tiếp nhận và xử lý tín hiệu, đầu báo, chuông, đèn, nút nhấn... không dây;

1.4 Bộ báo cháy không dây có bộ phận tiếp nhận tín hiệu được tích hợp vào chuông (còi), phát tín hiệu từ đầu báo, nút ấn không dây.

2. Thử nghiệm và kiểm định thiết bị báo cháy không dây

2.1 Thiết bị báo cháy cục bộ (nêu tại 1.1)

Hiện tại chưa có tiêu chuẩn TCVN để thử nghiệm thiết bị này. Căn cứ theo mục 3.1.2 QCVN 03:2023/BCA Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phương tiện PCCC có thể sử dụng kết quả kiểm định của cơ quan, tổ chức nước ngoài đã được cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại cấp phép để xem xét cấp giấy chứng nhận kiểm định. Tiêu chuẩn để thử nghiệm có thể tham khảo theo BS EN 14604:2005, ISO 12239:2021 hoặc các tiêu chuẩn khác tương đương.

2.2 Bộ báo cháy không dây (nêu tại 1.2)

Thử nghiệm các chỉ tiêu kỹ thuật của các thiết bị theo mục 2.4 quy định thiết bị thuộc hệ thống báo cháy tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phương tiện phòng cháy và chữa cháy QCVN 03:2023/BCA.

2.3 Bộ báo cháy không dây (nêu tại 1.3, 1.4)

Thử nghiệm các thiết bị gồm đầu báo cháy, chuông, đèn, nút nhấn theo các phép thử thông thường (tương tự loại có dây). Riêng đối với các phép thử liên quan đến các bộ phận sử dụng đường truyền vô tuyến thực hiện như sau:

(1) Suy hao tín hiệu tại hiện trường: mức yêu cầu theo mục 4.2.1, phương pháp thử theo 8.2.2 TCVN 7568-25:2023. Mục đích của thử nghiệm này để chứng minh rằng đường truyền vô tuyến đáp ứng được các yêu cầu của mục 4.2.1 trong môi trường không có nhiễu và chỉ làm việc trong bằng tần cho phép. Nhà sản xuất cần cung cấp đủ tài liệu và/hoặc phương tiện để đánh giá đầy đủ các chức năng của thiết bị (mục 5.4.2.3 quy định việc đo giá trị suy hao phải được thực hiện khi thiết bị đang được lắp trong hệ thống thử nghiệm và được đóng kín. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp có thể để thiết bị thử nghiệm ở trạng thái mở hoặc không cần lắp thiết bị trong hệ thống thử nghiệm).

(2) Tính toàn vẹn của tín hiệu cảnh báo: mức yêu cầu theo 4.2.2, phương pháp thử theo 8.2.3 TCVN 7568-25:2023. Mục đích của thử nghiệm này để chứng minh rằng một tín hiệu cảnh báo gửi đến hoặc phát đi từ một thiết bị không bị mất do xung đột hoặc chiếm dụng đường truyền vô tuyến và hệ thống đáp ứng các yêu cầu được xác định trong mục 4.2.2. Theo Bảng 3 TCVN 7568-25:2023, bộ thiết bị cần có 01 tủ trung tâm báo cháy. Do đó, để thử nghiệm chỉ tiêu này đơn vị sản xuất cần cung cấp tối thiểu 01 tủ trung tâm báo cháy kết nối phù hợp với các thiết bị của bộ báo cháy được thử nghiệm.

(3) Định danh của các thiết bị sử dụng đường truyền vô tuyến: mức yêu cầu theo 4.2.3, phương pháp thử theo 8.2.4 TCVN 7568-25:2023.

(4) Ăng ten: mức yêu cầu theo 4.2.7, phương pháp thử theo 8.2.9 TCVN 7568-25:2023. Do bộ thiết bị không có tủ trung tâm báo cháy nên chỉ kiểm tra ăng ten đối với các thiết bị còn lại.

(5) Tuổi thọ nguồn độc lập: mức yêu cầu theo 5.3.2, phương pháp thử theo 8.3.3 TCVN 7568-25:2023. Mục đích của thử nghiệm này để chứng minh nguồn điện hoạt động trong thời gian yêu cầu dựa vào việc phân tích và tính toán. Tuổi thọ của nguồn độc lập do nhà sản xuất công bố (nhà sản xuất công khai chủng loại nguồn độc lập và thời gian làm việc của nguồn đó trong tình trạng hoạt động bình thường của thiết bị). Tuổi thọ của nguồn phải được thể hiện bằng bảng tính. Tính toán này phải tính đến mức tiêu thụ trung bình và điện áp trong điều kiện tĩnh và ở điều kiện khí quyển tiêu chuẩn. Nguồn độc lập phải đảm bảo thời gian hoạt động tối thiểu của thiết bị là 36 tháng và dòng tiêu thụ của thiết bị không được lớn hơn 85% tổng dung lượng của nguồn. Việc xác nhận kết quả tính toán này thực hiện theo quy định ở mục 8.3.3 (nhà sản xuất cung cấp mức tiêu thụ dòng điện của thành phần được cấp điện trong điều kiện tĩnh; việc tính toán tuổi thọ do nhà sản xuất cung cấp và phải được cơ quan thử nghiệm có thẩm quyền xác nhận). Ví dụ về việc tính toán thời gian hoạt động cho một nguồn độc lập được trình bày trong Phụ lục C của TCVN 7568-25:2023. Quy chuẩn QCVN 03:2023/BCA chỉ quy định chỉ tiêu thử nghiệm “tuổi thọ của nguồn độc lập” không quy định các chỉ tiêu thử nghiệm đối với nguồn đáp ứng TCVN 7568-4. Như vậy, nếu thiết bị báo cháy sử dụng đường truyền vô tuyến chỉ có nguồn độc lập thì nguồn độc lập này phải được đánh giá đối với chỉ tiêu “tuổi thọ của nguồn độc lập” như nêu ở trên; đối với thiết bị báo cháy sử dụng đường truyền vô tuyến không dùng nguồn độc lập (nguồn điện chính sử dụng nguồn công cộng) thì theo quy định của QCVN 03:2023/BCA không yêu cầu phải thử chỉ tiêu này.

Tuy nhiên, để thiết bị báo cháy sử dụng đường truyền vô tuyến vẫn có khả năng hoạt động khi nguồn điện chính (nguồn cộng cộng) bị mất thì thiết bị báo cháy không dùng nguồn độc lập này cần có nguồn dự phòng đảm bảo ít nhất 24h cho thiết bị hoạt động ở chế độ thường trực và 1h khi có cháy, nguồn dự phòng này cần được nạp điện tự động.

(6) Xuyên nhiễu giữa các hệ thống của cùng một nhà sản xuất: mức yêu cầu theo 4.2.5.2, phương pháp thử theo 8.2.6 TCVN 7568-25:2023. Mục đích của thử nghiệm để chứng minh rằng các thiết bị đáp ứng được yêu cầu của 4.2.5.2 và để chứng minh khả năng của đường truyền vô tuyến có thể truyền tín hiệu ngay cả khi có nhiều thiết bị vô tuyến trong nhiều hệ thống của cùng một nhà sản xuất hoạt động trong một không gian cụ thể. Cấu hình hệ thống thử: cần cấu hình hai hệ thống độc lập, mỗi hệ thống có năm thiết bị được thiết lập ở khoảng cách tối thiểu giữa tất cả các thiết bị được nhà sản xuất cho phép và vận hành phù hợp với thông số kỹ thuật của nhà sản xuất. Nếu số lượng thiết bị tối đa trên mỗi hệ thống ít hơn năm, thì cấu hình số lượng thiết bị tối đa. Nhà sản xuất phải cung cấp các phương thức để đảm bảo kích hoạt đồng thời các thiết bị. Theo Bảng 3 TCVN 7568-25:2023, bộ thiết bị cần có 02 tủ trung tâm báo cháy. Do đó, để thử nghiệm chỉ tiêu này đơn vị sản xuất cần cung cấp tối thiểu 02 tủ trung tâm báo cháy kết nối phù hợp với các thiết bị của bộ báo cháy được thử nghiệm./.