Sử dụng mặt nạ lọc độc có chất lượng đảm bảo, phù hợp là vấn đề sống còn trong nhiều hoàn cảnh. Việc sử dụng mặt nạ lọc độc không đảm bảo chất lượng có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
1. Phân loại mặt nạ lọc độc
Mặt nạ lọc độc hoạt động theo nguyên tắc lọc không khí qua các lớp vật liệu đặc biệt, loại bỏ các chất độc hại trước khi người sử dụng hít thở. Tùy thuộc vào thiết kế và mục đích sử dụng, mặt nạ lọc độc có thể bảo vệ chỉ riêng đường hô hấp hoặc toàn bộ khuôn mặt, bao gồm cả mắt và da mặt, được phân loại như sau:
a) Theo cấu tạo, mặt nạ lọc độc được phân thành các loại chính gồm: mặt nạ nửa mặt (Half-face mask); mặt nạ toàn mặt (Full-face mask); mặt nạ có bình khí (Self-Contained Breathing Apparatus - SCBA); mặt nạ có ống dẫn khí (Supplied-Air Respirator).
b) Theo công dụng và khả năng bảo vệ, mặt nạ lọc độc được phân loại thành: Mặt nạ lọc bụi (chỉ lọc các hạt bụi, khói; được phân loại theo hiệu quả lọc; không có khả năng lọc khí độc hoặc hơi hóa chất; thường được sử dụng trong môi trường xây dựng, khai thác, y tế); mặt nạ lọc khí (chuyên lọc các loại khí độc và hơi hóa chất; sử dụng than hoạt tính hoặc chất hấp thụ hóa học khác; thường được mã hóa màu sắc theo loại khí độc có thể lọc; yêu cầu thay thế bộ lọc theo định kỳ); Mặt nạ lọc kết hợp (kết hợp khả năng lọc cả hạt bụi và khí độc; có các bộ lọc đa năng; phù hợp với môi trường có nhiều loại chất độc hại khác nhau; đáp ứng nhiều tiêu chuẩn lọc khác nhau).
c) Theo thời gian sử dụng: Dựa vào thời gian có thể sử dụng, mặt nạ lọc độc được chia thành mặt nạ sử dụng một lần; mặt nạ tái sử dụng với bộ lọc thay thế; mặt nạ sử dụng dài hạn.
d) Mã hóa màu sắc của bộ lọc mặt nạ theo loại khí độc có thể lọc:
2. Quy định về quản lý chất lượng đối với phương tiện mặt nạ lọc độc
- Theo quy định tại Mục 7, Phục lục VI (danh mục phương tiện PCCC) Nghị định số 50/2024/NĐ-CP ngày 10/5/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 136/2020/NĐ-CP và Nghị định 83/2017/NĐ-CP có 02 loại mặt lạ gồm (1) mặt nạ lọc độc và (2) mặt nạ phòng độc cánh ly. Tại Phụ lục VII của Nghị định này quy định danh mục phương tiện PCCC thuộc diện phải kiểm định, trong đó không bao gồm “mặt nạ lọc độc, mặt nạ phòng độc cánh ly”, do đó 2 loại mặt nạ này không thuộc đối tượng phải kiểm định về PCCC.
- Thông tư 25/2012/TT-BLĐTBXH quy định phương tiện mặt nạ lọc độc khi sản xuất, nhập khẩu, lưu thông và sử dụng phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật và thực hiện hợp quy theo Quy chuẩn quốc gia QCVN 10:2012/BLĐTBXH đối với bộ lọc dùng trọng mặt nạ và bán mặt nạ lọc độc. Theo đó, các bộ lọc dùng trong các mặt nạ và bán mặt nạ lọc độc phải thỏa mãn các yêu cầu được quy định trong Tiêu chuẩn Châu Âu EN 14387:2004 - Các bộ lọc khí tổ hợp và Tiêu chuẩn Châu Âu EN 404: 2005 - Bộ lọc khí CO để bảo vệ cơ quan hô hấp. Các yêu cầu kỹ thuật chính của mặt nạ lọc độc theo QCVN 10:2012/BLĐTBXH gồm:
• Vật liệu: Vật liệu chế tạo bộ lọc phải đảm bảo độ bền, độ kín khít và khả năng chống chịu các tác nhân hóa học.
• Hiệu suất lọc: Hiệu suất lọc của bộ lọc phải đạt các mức quy định đối với từng loại chất độc hại.
• Độ bền cơ học: Bộ lọc phải đảm bảo độ bền cơ học để chịu được các tác động trong quá trình sử dụng.
• Độ kín khít: Bộ lọc phải đảm bảo độ kín khít để ngăn chặn sự xâm nhập của chất độc hại.
• Khả năng hô hấp: Bộ lọc không được gây cản trở quá mức đến khả năng hô hấp của người sử dụng.
• Ghi nhãn và hướng dẫn sử dụng: Bộ lọc phải được ghi nhãn đầy đủ các thông tin cần thiết và kèm theo hướng dẫn sử dụng chi tiết.
- Việc chứng nhận hợp quy đối với bộ lọc dùng trong mặt nạ và bán mặt nạ phòng độc sản xuất trong nước và nhập khẩu do các tổ chức chứng nhận hợp quy đã được Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội chỉ định thực hiện.
+ Đối với sản phẩm mặt nạ và bán mặt nạ lọc độc sản xuất trong nước: Bộ lọc dùng trong mặt nạ lọc độc sản xuất trong nước phải được chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy theo phương thức 5 của Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN của Bộ khoa học công nghệ về việc quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật (thử nghiệm mẫu điển hình kết hợp đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất),
+ Đối với sản phẩm mặt nạ và bán mặt nạ lọc độc nhập khẩu: Bộ lọc dùng trong mặt nạ lọc độc nhập khẩu phải chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy theo phương thức 7 của Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN (phương thức thử nghiệm đánh giá lô sản phẩm, hàng hóa).
+ Bộ lọc dùng trong mặt nạ và bán mặt nạ phòng độc sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường phải được gắn dấu hợp quy. Việc ghi nhãn phải tuân theo các quy định hiện hành của Việt Nam (Nghị đinh Số 43/2017/NĐ-CP về ghi nhãn hàng hóa và Nghị đinh Số 111/2021/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa).
- Trong trường hợp cần thiết, cơ quan nhà nước có thẩm quyền (cơ quan kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hóa của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nay là Bộ Nội vụ) có thể tiến hành việc kiểm tra nhà nước về chất lượng đối với bộ lọc dùng trong mặt nạ lọc độc lưu thông trên thị trường.
- Theo quy định tại Thông tư số 01/2021/TT-BLĐTBXH ngày 3/6/2021 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (nay là Bộ Nội vụ), các sản phẩm mặt nạ và bán mặt nạ lọc hơi khí độc được quy định tại Mục I, Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (nay là Bộ Nội vụ) phải thực hiện việc kiểm tra nhà nước về chất lượng khi nhập khẩu. Việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu được thực hiện theo quy định tại khoản 2b Điều 7 Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa được bổ sung theo quy định tại khoản 3 Điều 1 của Nghị định số 74/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP.
- Kiểm tra nhãn mác và thông tin hàng hóa: Mặt nạ lọc độc phải có đầy đủ các thông tin sau trên nhãn mác: Thông tin cơ bản (tên và địa chỉ nhà sản xuất; tên sản phẩm và mã hiệu; số lô sản xuất; ngày sản xuất và hạn sử dụng; kích cỡ, nếu có nhiều kích cỡ); thông tin kỹ thuật (loại mặt nạ và phạm vi bảo vệ; mã hàng hóa).
- Để đảm bảo chất lượng mặt nạ lọc độc, cần thực hiện các biện pháp quản lý:
+ Chứng nhận hợp quy: Bộ lọc phải được chứng nhận hợp quy theo QCVN 10:2012/BLĐTBXH trước khi đưa ra thị trường.
+ Kiểm tra chất lượng định kỳ: Các cơ sở sản xuất, nhập khẩu và sử dụng mặt nạ lọc độc phải thực hiện kiểm tra chất lượng định kỳ để đảm bảo sản phẩm luôn đạt yêu cầu.
+ Lưu trữ và bảo quản: Mặt nạ lọc độc phải được lưu trữ và bảo quản đúng cách để đảm bảo chất lượng.
+ Kiểm tra trước khi sử dụng: Người sử dụng phải kiểm tra kỹ lưỡng mặt nạ lọc độc trước khi sử dụng để đảm bảo không có hư hỏng.
+ Huấn luyện và đào tạo: Người sử dụng phải được huấn luyện và đào tạo về cách sử dụng, bảo quản và kiểm tra mặt nạ lọc độc.
+ Kiểm tra và giám sát: Cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra và giám sát việc thực hiện QCVN10:2012/BLĐTBXH để đảm bảo chất lượng mặt nạ lọc độc trên thị trường./.
Phòng 6/Cục Cảnh sát PCCC và CNCH