logo

CÔNG TY CỔ PHẦN PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY ĐÔNG HƯNG

TƯ VẤN THIẾT KẾ - THI CÔNG - GIÁM SÁT - THIẾT BỊ AN TOÀN PCCC
Một số vấn đề cần lưu ý trong công tác chữa cháy và CNCH đối với cơ sở xay xát, lau bóng gạo truyền thống

Với sự phát triển từ nền văn minh lúa nước lâu đời, hiện nay Việt Nam đang là quốc gia có sản lượng xuất khẩu gạo lớn thứ 3 thế giới. Do đó, gạo vừa là nguồn lương thực chính vừa là mặt hàng xuất khẩu chiến lược. Tại các tỉnh miền Tây Nam bộ của nước ta, có hàng nghìn cơ sở xay xát, lau bóng gạo truyền thống được xây dựng từ lâu, trong quá trình hoạt động đã được chủ cơ sở mở rộng, cải tạo để phù hợp với điều kiện kinh doanh nhưng không đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH).

Một trong những nguyên nhân chủ yếu là do chủ cơ sở chưa thực sự quan tâm đến công tác PCCC, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý về PCCC theo quy định, dẫn đến nhận thức về công tác PCCC của nhân viên tại cơ sở còn hạn chế, việc thực hiện các quy định về an toàn PCCC trong công nghệ sản xuất, các điều kiện để xử lý kịp thời và có hiệu quả khi có cháy xảy 

ra còn thiếu đồng bộ, thậm chí bất cập dẫn đến hiệu quả công tác PCCC và CNCH chưa đáp ứng theo quy định.

Hình 1: Hình ảnh minh họa về cơ sở xay xát, lau bóng gạo

Thực tế cho thấy, đa phần các cơ sở chưa lắp đặt hệ thống PCCC hoặc có lắp đặt nhưng chưa đảm bảo, chưa thường xuyên kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng theo quy định, tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ rất cao, có thể gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Một số vụ cháy về loại hình cơ sở này, ví dụ như: Vào rạng sáng ngày 10/4/2018, lửa bốc lên từ tháp chứa lúa của nhà máy ông Nguyễn Văn Tươi, địa chỉ: ấp Phú Hòa B, xã Chánh An, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long, không có thiệt hại về người, thiệt hại tài sản ước tính khoảng 700 triệu đồng; Vụ cháy vào lúc 18h30p ngày 27/7/2020, xảy ra tại nhà máy xay xát lúa gạo “Hữu Tài” do ông Nguyễn Văn Nè làm chủ, địa chỉ: ấp Phú Mỹ Hạ, xã Phú Thọ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang, đám cháy không có thiệt hại về người, thiệt hại tài sản ban đầu do vụ cháy gây ra ước tính khoảng 01 tỷ đồng.

Đặc điểm của các cơ sở xay xát lúa, gạo là thường sản xuất tập trung vào các mùa vụ, vào lúc cao điểm tập trung nhiều nguyên phụ liệu. Nguyên liệu chủ yếu là lúa, thành phẩm gồm: gạo, cám, trấu, hàng hóa sắp xếp thường không đảm bảo lối thoát nạn. Trong quá trình sản xuất thường sinh nhiều bụi, nếu không vệ sinh công nghiệp thường xuyên dễ gây cháy, nổ. Mặt khác, đa số các cơ sở có nhà để ở bên trong hoặc liền kề với nơi sản xuất nên khi có cháy xảy ra việc thoát nạn cho công nhân và những người sinh sống trong nhà là rất khó khăn, nhất là đám cháy xảy ra vào ban đêm.

Một trong những nguyên nhân gây cháy chủ yếu ở các cơ sở xay xát lúa, gạo là hệ thống điện tại các cơ sở này là điện sản xuất 3 pha, đa số đã sử dụng lâu năm, dây dẫn câu mắc tùy tiện trong nhà xưởng và kho, không đảm bảo nên thường cháy lan nhanh, khó cứu chữa. Đa số các cơ sở lắp đặt hệ thống điện không đảm bảo khoảng cách an toàn, không có hệ thống chiếu sáng sự cố, hệ thống điện chưa tách riêng thành từng hệ thống riêng biệt phục vụ cho sản xuất, bảo vệ và chữa cháy. Vì vậy, khi có cháy do sự cố điện gây ra thường cháy lan nhanh, không cứu chữa kịp.

Hình 2: Hình ảnh minh họa về vụ cháy nhà máy xay xát lúa gạo của ông Võ Văn Bình ở trên sông Xáng Lấp Vò, xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp vào ngày 22/11/2024.

Các đặc điểm của cơ sở xay xát lúa gạo liên quan đến công tác chữa cháy, CNCH như sau:

(1) Đặc điểm về kiến trúc xây dựng: được xây dựng bằng tường gạch, khung thép, mái lợp tôn, có 2 bộ phận chính là khung chịu lực và phần mái. Khung chịu lực gồm các cột, dầm, vì kèo thép; khung ngang được liên kết với nhau bằng kết cấu gồm hệ giằng thép, kết cấu mái, dầm, kết cấu đỡ tường; khung phụ là xà gồ mái, dầm tường, thanh chống đỉnh tường. Bộ phận mái tôn gồm khung, kèo và tôn. Khoảng 15 - 20 phút sau khi xảy ra cháy, dưới tác động của nhiệt độ cao, các kết cấu chính của nhà xưởng như: Cột chịu lực, hệ giằng,.. nếu không được bảo vệ bằng vật liệu chống cháy sẽ gây sập đổ một phần hoặc toàn bộ phần mái và cả công trình. Trường hợp các kết cấu chịu lực chính được bảo vệ bằng vật liệu chống cháy tương đương bậc chịu lửa I, II thì sau thời gian từ 90 đến 120 phút có thể dẫn đến sập đổ công trình.

Bên trong cơ sở được bố trí máy móc, dây chuyền công nghệ nhưng đa phần đã cũ, đã qua nhiều năm sử dụng, ví dụ như: Máy xay xát gạo, bồn chứa lúa, trấu, băng chuyền tải, máy đánh bóng gạo,..

(2) Giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy: Phần lớn các cơ sở xay xát đều có vị trí giao thông đường bộ thuận lợi, xe chữa cháy có thể tiếp cận được; Một số cơ sở có vị trí nằm cạnh sông, thuận tiện cho việc chuyển lúa từ sông vào bên trong cơ sở thông qua băng chuyền và tận dụng nguồn nước từ sông để chữa cháy khi có sự cố cháy, nổ xảy ra. Nguồn nước cũng có thể lấy từ trụ nước chữa cháy công cộng, bể nước chữa cháy bên trong cơ sở, hoặc từ ao, kênh, rạch,..

(3) Bố trí, sắp xếp hàng hóa: Do số lượng hàng hóa nhiều nên cơ sở thường bố trí để chất đống theo chiều cao và theo chiều ngang, dẫn đến các lối thoát nạn không đảm bảo về khoảng cách, bị che chắn và mất tác dụng của lối thoát nạn.

Trong công tác chữa cháy và CNCH, chỉ huy chữa cháy cần phải nắm chắc quy trình tổ chức chữa cháy, các biện pháp, kỹ thuật, chiến thuật chữa cháy, ngoài ra, cần lưu ý một số vấn đề sau:

- Thành lập Tổ trinh sát đám cháy: Khi đến hiện trường, chỉ huy chữa cháy nhận định đám cháy phát triển lớn, phức tạp thì người chỉ huy phải thành lập tổ trinh sát đám cháy, mỗi tổ trinh sát tối thiểu 03 cán bộ, chiến sĩ, có thể thành lập nhiều tổ trinh sát ở nhiều khu vực khác nhau để nắm tình hình. Phải xác định số lượng, tình trạng và vị trí người bị nạn mắc kẹt trong cơ sở; xác định hướng tiếp cận để cứu người và triển khai chữa cháy; xác định chất cháy chủ yếu, hướng lan truyền của đám cháy; hướng tấn công chính để dập tắt đám cháy; nguy cơ sập đổ của cấu kiện xây dựng; các biện pháp thoát khói cho cơ sở;... Chỉ huy chữa cháy phải bảo đảm các điều kiện về quần áo, đồ bảo hộ cá nhân, các dụng cụ, phương tiện cần thiết cho CBCS trước khi tham gia trinh sát đám cháy và chữa cháy, CNCH.

- Triển khai công tác chữa cháy và CNCH: Song song với việc trinh sát đám cháy, người chỉ huy chữa cháy phải nhanh chóng xác định được khu vực cháy, chất cháy chủ yếu, hướng tấn công chính để kịp thời quyết định triển khai đội hình phun chất chữa cháy và đảm bảo hệ thống điện đã được cắt điện.

+ Trong cơ sở xay xát có chứa bồn trấu hoặc một số cơ sở chứa trấu để thành đống cao ở ngoài, khi cháy xảy ra sẽ âm ỉ bên trong, vì vậy xác định chất chữa cháy chính là nước, cần thiết có thể pha thêm chất phụ gia là bọt chữa cháy để tăng độ thẩm thấu, giảm sức căng bề mặt của nước bằng cách pha trực tiếp bọt vào téc nước xe chữa cháy hoặc sử dụng thiết bị ezector hút bọt.

+ Nếu bảo đảm nguồn nước, chỉ huy chữa cháy có thể triển khai các mũi tấn công với loại lăng phun đa tác dụng áp lực cao để dập tắt đám cháy đối với khu vực chứa trấu, cám. Bên cạnh đó, triển khai các lăng B phun sương làm mát cho cán bộ, chiến sĩ và cấu kiện xây dựng, ngăn cháy lan.

+ Đám cháy thường xảy ra vào chiều, tối nên việc triển khai công tác chữa cháy, CNCH sẽ gặp nhiều khó khăn, tầm nhìn bị hạn chế. Căn cứ vào quy mô, mức độ diễn biến phức tạp của đám cháy mà người chỉ huy sẽ quyết định huy động hoặc xin chi viện các phương tiện chữa cháy và CNCH như: Xe thang; xe CNCH, xe trạm bơm, xe chở dung dịch chất tạo bọt, rô bốt chữa cháy, xe chiếu sáng (dàn đèn chiếu sáng), xe cứu thương, quạt thổi khói, máy hút khói, máy nạp khí sạch, máy phát điện, xe bồn tiếp nước.

+ Khi đến đám cháy, chỉ huy chữa cháy phải xác minh ngay việc số lượng người, vị trí, khu vực, tình trạng người mắc kẹt, bị nạn mà không tự thoát ra ngoài để kịp thời lên phương án tìm kiếm, CNCH và bảo đảm trong mọi hoàn cảnh, phải ưu tiên cứu người mắc kẹt, bị nạn.

+ Trường hợp tổ chức chữa cháy và CNCH trong thời gian dài phải bảo đảm hậu cần chiến đấu; bố trí thay ca, kíp chiến đấu phù hợp để bảo đảm duy trì hoạt động chữa cháy, CNCH được liên tục; kiểm tra tình trạng hoạt động của các loại phư¬ơng tiện tham gia chữa cháy và CNCH; bố trí phương tiện dự phòng để thay thế kịp thời khi có yêu cầu.

- Nguồn nước phục vụ chữa cháy: Các đám cháy cơ sở xay xát thường có quy mô lớn, vì vậy việc đảm bảo nguồn nước chữa cháy rất quan trọng, phải cung cấp đủ lưu lượng, áp lực để lăng phun có thể hoạt động liên tục. Bên cạnh đó cần huy động các máy bơm chữa cháy khiêng tay lấy nước từ các nguồn nước tự nhiên có trữ lượng lớn như ao, kênh, sông để đáp ứng được yêu cầu chữa cháy trong thời gian dài.

- Thông tin liên lạc trong đám cháy: Việc bảo đảm thông tin liên lạc, thống nhất trong chỉ huy, điều hành một vụ cháy lớn là rất quan trọng và cần thiết. Chỉ huy chữa cháy phải bình tĩnh, làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ, thống nhất chỉ huy từ ngoài vào trong khu vực chiến đấu, từ cấp trên xuống cấp dưới để công tác chữa cháy, CNCH được triển khai đồng bộ, hiệu quả nhất.

- Ngăn chặn cháy lan: Cùng với hoạt động chữa cháy, chỉ huy cần tổ chức di dời tài sản để giảm thiệt hại và đồng thời chống cháy lan. Huy động, phối hợp lực lượng của cơ sở và các lực lượng quân đội, công an, người dân tham gia di dời tài sản. Trường hợp không thể tiếp cận và di chuyển được, chỉ huy chữa cháy quyết định huy động máy xúc (kobe) để đưa tài sản ra, tạo khoảng cách ngăn cháy lan hoặc sử dụng các lăng phun chữa cháy (lăng B) làm mát các khu vực có nguy cơ bị cháy lan.